mây bay ngang

12.08.2012

Từ cửa sổ tầng trên của căn nhà mới đến ở, tôi có thể nhìn thấy ngọn Liang Biang (nếu núi không bị mây che, mà trời Đà Lạt mà tôi biết cho đến hôm nay, luôn luôn nhiều mây). Liang Biang là ngọn núi cao nhất cao nguyên Lâm Đồng.

Núi im và kiên nhẫn: nếu mặt hồ làm cho tâm bạn lặng thì núi làm cho tâm bạn yên, và lặng với yên là hai điều khác nhau, khác nhau như hồ với núi. Suốt ngày (có thể nào suốt năm?), mây phủ chóp núi, và mưa nữa. Bóng của mây, và mưa hoặc là hơi nước. làm cho núi có màu xám, xám như không có chuyện gì để kể, xám như nghìn năm đời vẫn vậy, không có thời gian, không có thay đổi. Không có lời nào để nói về cuộc đời, ừ, làm gì có cuộc đời nào để nói về.

Nhưng thật ra núi không hẳn không có việc gì để làm. Núi đứng đó, để mây biết mình bay. Đám mây dù bất động nhất vào một ngày im gió nhất, nó vẫn bay, nếu mắt bạn lấy núi làm mốc. Mây bay vì mây là mây, vì mây nhẹ hơn không khí, vì mây không có quê hương.

– Đố em Đà lạt nhiều gì nhất?
– Nhiều thông? Nhiều hoa? Nhiều mứt dâu?
– Không, Đà lạt nhiều mây bay ngang nhất.
– Nhưng mây ở đâu cũng có mà?
– Ừ, nhưng Đà lạt vẫn không nhiều thông, (hoặc là hoa, hoặc là mứt dâu), như là mây bay ngang.

Từ mười ngày rồi, tôi đã trở thành người Đà lạt. Sau mười ngày, tôi học đã biết chỗ mua rau và trái bơ từ vườn người nhà quê chứ không phải từ nông trường trồng để bán về thành phố, biết quán mì ngon nhất, đối diện một lò bánh mì cũng ngon, nhưng chưa phải là nhất; biết đường đến chợ cá buổi chiều, chừng ba giờ xe cá từ Phan Rang lên tới. (Những thứ đầu tiên người ta học khi mới đến một nơi nào đều liên quan đến chuyện ăn uống). Tôi cũng biết chỗ ngồi ở hai quán cà phê nhìn xuống thung lũng rộng, đẹp như tranh. Nhưng thật ra, ở bên ngoài đẹp như tranh không phải là điều tôi thật sự mong từ một quán cà phê. Cái quán có những thứ tôi mong, thì vẫn chưa tìm ra.

Ngoài ra có một chuyến đi đến một cái thôn trong núi mà nếu nói tên ra cũng không ai biết. Nhưng đó là câu chuyện để dành kể vào một hôm khác. Bầu trời ở thôn đó, vào ngày hôm đó, cũng rất nhiều mây bay ngang.

cánh bướm

24.03.2012

Khi ai đó nhắc tới cánh bướm trong truyện của họ, bạn nghĩ tới gì?

Trong cuốn The Master of Petersburg có một đoạn Coetzee kể lại lúc Dostoevsky đến chỗ nhà trọ con trai (riêng của vợ ông) ở cuối cùng trước khi chết. Bà chủ nhà trọ mời ông ở ại ăn tối với bà và con gái. Ông hỏi bà về Pavel, người con trai mới mất. Anh ấy làm sao biết nơi này mà đến thuê phòng.

Bà chủ nhà trọ ngập ngừng, bà định nói là anh ấy đáng mến, nhưng bà không thể nói điều đó mà không đặt nó sau một động từ ở thì quá khứ, như vậy thì sự mất mát quá rõ nét. Ông hiểu như vậy. Cuối cùng bà chỉ nói là một người thuê phòng khác giới thiệu anh ấy đến đây.

“Ông bỗng thấy bà thật khô khan, khô như chiếc cánh của một con bướm. Như thể giữa làn da và chiếc váy lót, giữa làn da và đôi tất đen sát người mà chắc chắn bà đang mặc, có một lớp phấn tro trắng mịn, cho nên, nếu để buông lơi từ vai, chiếc áo bà mặc sẽ chuồi xuống đất không cần ai nắm kéo.

Ông ước được nhìn thấy bà trần trụi, người đàn bà trong lần bừng nở cuối cùng này của tuổi xuân.”

Cánh bướm là một hình ảnh sáo mòn trong văn và thơ. Nhưng, với một chút chánh niệm, bạn vẫn có thể rủ bỏ mọi liên tưởng quen thuộc và dùng nó trong một ý nghĩa khác.

Cái nhìn

21.03.2012

Ở gương mặt, người ta nhận ra nhau đầu tiên, rồi đánh giá, rồi yêu ghét, rồi ghi nhớ. Vì thế, gương mặt của chúng ta luôn luôn tìm cách – học cách, tạo ấn tượng thuận lợi nhất cho mình trong mắt người khác. Qua bao nhiêu ngày, cái thứ nói về mình nhiều nhất lại là thứ xa lạ với mình nhất, vì nó thuộc về người khác. Không mấy ai tự biết mình đẹp hay xấu, mà chỉ nghe người khác, tin người khác hơn chính mình về chuyện này. Rồi để cái nhìn của họ điều khiển mình, tự tương thích gương mặt theo ý thích, theo gương mẫu của cái nhìn, sao cho nó yêu mình càng nhiều càng tốt.

Mà cái nhìn của người khác, nó như thế nào? Từ lúc đồng tử của họ nhận lấy sóng hình ảnh từ một gương mặt người cho đến khi người ta đánh giá mức độ đẹp xấu hay dở của người ấy, thì hệ thống truyền tải thông tin trong mấy giây đó đã đi qua bao nhiêu lần rập khuôn, so sánh thông tin nhận được, với thông tin đã lưu trữ, nó gần với khuôn mẫu nào nhất thì tag nó với tag đó, rồi dùng tag đó mô tả gương mặt, mà những tag/tính từ đó không thể không là một phần của một bảng đánh giá.

Sự đánh giá theo khuôn có sẵn này giải thích tại sao phụ nữ được nhìn nhận là đẹp giống nhau đến như thế (phụ nữ lệ thuộc vào cái nhìn nhiều hơn đàn ông). Xã hội không những cho phép, mà còn gần như bắt buộc phụ nữ thích ứng, thay đổi, cải tạo để được yêu thích hơn, bằng cử chỉ, bằng trang điểm, ngay cả bằng phẩu thuật, cho giống với một hình ảnh lý tưởng, mà con số hình ảnh lý tưởng, thì rất hạn hẹp. Người ta quan sát thấy rằng phụ nữ càng chăm chú vào việc thích ứng gương mặt mình với một khuôn mẫu lý tưởng của số đông, thì chúng ta càng khó phân biệt giữa họ với nhau hơn. Tôi cho là nghề giám khảo thi hoa hậu Việt Nam là nghề khó nhất trên toàn cầu. Bạn ngồi đó, khoảng hai mươi cô gái đi qua trước mặt bạn, và bạn không thể phân biệt cô nào với cô nào, thì làm sao chấm điểm? Stress nghề nghiệp, biết sao.

 

Tôi không có gì chống lại một gương mặt đẹp. Nhưng nếu thế giới một ngày nào đó chỉ còn lại một đến năm gương mặt đẹp, thì làm sao?

Nếu có chánh niệm, người ta thấy một gương mặt, hay bất cứ thứ gì, như nó là chứ không phải như cái khuôn mẫu gần nhất có sẵn trong bộ nhớ của chúng ta về nó. Nhưng con người có quá ít thời gian cho quá nhiều thông tin phải xử lý, phán đoán hàng ngày, nên phải sử dụng, một cách tự động, hệ thống khuôn mẫu này. Lâu ngày, cùng với sự đồng tình của xã hội, cái nhìn, là một ngôn ngữ trực tiếp, đã trở thành một ngôn ngữ cũng gián tiếp như chữ nghĩa, là thứ cần đến một hệ thống ý nghĩa (và giá trị) được thỏa thuận trước với nhau bởi những người sử dụng. Điểm khác nhau là những thỏa thuận này, đối với chữ nghĩa, nằm trong ý thức trong khi đối với hình ảnh, nó nằm phần lớn trong vô thức. Vô thức là nơi chúng ta khó access vào database để thay đổi cập nhật được. Và vì vậy, cái nhìn thường mang nặng định kiến. Định kiến trong vô thức là thứ điều khiển chúng ta, chứ không phải ngược lại. Giới quảng cáo rất biến điều này, và họ đánh thẳng vào vô thức, để bán được hàng.

 

Một ngày, tôi thức dậy, và nhận thấy rằng hầu hết bạn bè người quen đều đã đi làm trong thế giới mà image là chính nếu không là tất cả. Phim, báo ảnh, thời trang, quảng cáo, thiết kế, kiến trúc, nhiếp ảnh, và dĩ nhiên, hội họa. Có lẽ vì không có gì tạo ảnh hưởng nhanh bằng hình ảnh nên ngành này cuốn hút nhiều người. Nói thật thì tôi mong chờ ở nhiếp ảnh và hội họa nhiều hơn, vì hai ngành này, nếu đúng, ít lệ thuộc vào cái nhìn của người khác nhất. Ít lệ thuộc vào cái nhìn, để mà phục vụ nó một cách bình đẳng chứ không ở vị trí nô lệ. Đó là điều kiện đầu tiên và thiết yếu của nghệ thuật.

Mà hình như nghệ thuật là thứ lạc lõng nhất trong thời này thì phải.

Hai thứ cơ bản nhất mà một người, ít nhất là một người có học, phải biết đầu tiên là đọc viết và làm toán. Người ta có thể lầm trong mọi chuyện, nhưng không thể lầm về chuyện này. Đúng không?

Vậy mà hai người tôi nghĩ là lớn nhất từng sinh trên mặt đất này của chúng ta, là Tất Đạt Đa Cồ Đàm và Ludwig van Beethoven, một người thì không biết đọc viết, và một người thì không biết làm toán.

 

Không có ai kể lại rằng Phật đã đọc sách hay ghi chép gì. Thời ấy, văn bản chỉ được dùng cho các khế ước, hoặc khắc vào đá ở các đền, hẳn chỉ có một số rất ít người biết, khi họ làm một nghề nhất định, vì một lý do nhất định nào đó.

Mãi bốn thế kỷ sau khi Phật chết, kinh Phật mới được ghi lại lần đầu tiên, bằng tiếng Pali, chép lên lá bối đa khô, ở một xứ Phật chưa từng đi đến, là Tích Lan. Khi còn sống, Phật chỉ nói, chứ không viết những gì Phật muốn người khác hiểu. Người ta nghe, ghi nhớ, rồi đi nói lại cho người khác. Để mọi người không nhớ sai, thứ nhất các bài tạng được đặt ra để dễ học nằm lòng, và thứ hai, ai cũng biết là Phật rất yêu những con số. 4 sự thật về cái khổ, 8 con đường đúng, 12 duyên khởi, 5 ấn, 6 căn, vân vân. Cái gì quan trọng cũng được đánh số để khi kể lại người ta kể đúng thứ tự. Nếu có quên mất thứ gì, thì nhờ có đánh số họ biết mình còn thiếu; và kể đủ số rồi thì thôi, không được thêm vào điều gì nữa.

 

Với Beethoven những con số quá trừu tượng. Anh chỉ biết làm một ít tính cộng trừ, và chỉ chắc là đúng khi nào con số còn đếm được trên các ngón tay của mình. Trong các mẩu giấy ghi chép còn để lại, người ta thấy khi cần tính tiền phải trả 7 lần cho một món gì giá 8 Gulden, thì vì không biết làm toán nhân, anh chép 7 lần số 8 ra và lần lượt cộng chúng lại với nhau. Một lần, phải trả  11 lần nửa Gulden, anh chép 11 lần 1/2, và 1/2 là một con số rất khó đếm bằng các ngón tay. Kết quả cộng 11 lần 1/2 của Beethoven là 10,5. Thương không?

Không biết tính toán, Beethoven không biết mình giàu hay nghèo. Từ ngày bị điếc, Beethoven không đi dạy đàn piano được nữa và mất đi nguồn thu nhập tiền lẻ. Còn tiền chẳn? Là nhà soạn nhạc tự do, không có lương, anh sống nhờ vào trợ cấp của các nhà quí tộc yêu nhạc.  Gặp thời lạm phát, các công tước, hầu tước cũng hay quên. Anh càng ngày càng lo lắng. Anh chỉ biết lúc nào anh cũng cần nhiều tiền, vì anh yêu rượu và phụ nữ và cháu và thứ nào cũng tốn. Anh cũng không biết mình là người keo kiệt hay phung phí. Đây là cơn giận của Beethoven khi làm rớt mất một xu (Kissin at the Prom):

Bài này nhiều nốt nhỉ.

Trong tiếng Đức, chữ Note nghĩa là nốt nhạc, cũng có nghĩa là tiền giấy (chữ Banknote viết ngắn đi). Trong khi đó, chữ Not có nghĩa là sự khó khăn cùng túng.

Beethoven có lần mua cổ phiếu. Trong một bức thư gửi cho kế toán trưởng ngân hàng, yêu cần gửi ngay cho anh tiền lời khi có, vì Beethoven rất cần tiền. Anh viết: “Und alle Noten, die ich mache, bringen mich nicht aus den Nöthen!!” (cách viết xưa có thêm chữ h)

(Và tất cả các nốt nhạc [cũng có thể hiểu là những tờ tiền giấy] mà tôi làm ra, chúng không kéo tôi ra khỏi những cơn túng bấn!!”)


trí nhớ vội vàng phai của anh đã biến tình em thành bất tử.


ai đang ngồi trên tòa sen
trong niết bàn
chợt có mây bay ngang
thế là bay theo mây.

chợt trời trở lạnh
mây đọng thành giọt
rơi xuống
thế là mưa.

thằng bé 11 tuổi
ra trước nhà đứng ngó mưa
đây một giọt kia một giọt và bao nhiêu giọt nữa
vì không đếm hết nên chạy vào gõ mấy nốt lên cây đàn
quá trời nhiều nốt

thế là mozart.

Nước không chảy /  đêm không trôi
Gió không lay  /  mây không ngủ

Côn trùng ru thế kỷ thôi đừng buồn thêm nữa cỏ lau mờ xóa chân trời  

Nửa khuya,
có bao nhiêu sinh linh còn thức,
là bấy nhiêu vầng trăng lẻ

trời tha hương

ngàn dặm trăng treo còn đến bao giờ?

(từ một tứ thơ của đtn) 

Trong cuốn Waiting for the Barbarians, nhân vật tôi của J. M. Coetzee nhớ lại lúc ông còn làm magistrate trong một đồn biên phòng xa xôi, có một người đàn ông trẻ vì ăn cắp một con gà bị một magistrate khác phạt đi lính xa nhà ba năm, như lính trấn thủ lưu đồn ở nước ta ngày xưa. Được một tháng, anh lính trẻ nhớ mẹ, nhớ nhà, bỏ trốn. Người ta bắt được đem anh ta cho nhân vật tôi xử tội, anh lính đứng đó, hai tay bị trói phía sau, đôi mắt mờ đục.


“Anh cảm thấy như thế là không công bằng, tôi biết, rằng anh sẽ bị phạt vì anh mang trong người tình cảm của một đứa con trai yêu mẹ. Anh nghĩ anh biết thế nào là công bằng và thế nào là không. Tôi hiểu. Chúng ta ai cũng nghĩ là mình biết.” Tôi, chính tôi cũng không nghi ngờ gì rằng trong bất cứ khoảnh khắc nào bất cứ ai trong chúng ta, đàn ông, đàn bà, trẻ con, có lẽ ngay cả con ngựa đáng thương đang kéo cái cối xay kia, đều biết như thế nào là công bằng: tất cả sinh linh đều bước vào thế giới mang theo trong lòng ký ức về sự công bằng. “Nhưng chúng ta sống trong một thế giới của luật lệ,” tôi nói với người tù đáng thương của tôi, “một thế giới tốt đẹp hạng nhì. Chúng ta không làm gì được cả. Chúng ta là những sinh vật bị rơi. Tất cả những gì chúng ta có thể làm là giữ luật lệ, tất cả ai ai cũng thế, giữ luật lệ mà không để cho ký ức về sự công bằng của chúng ta phai đi.”

Và nhân vật tôi của J. M. Coetzee xử anh lính tội đào ngũ.

có mây qua

06.09.2011

Anh nhìn bằng mắt, nhưng đôi mắt không phải là cái nhìn. Anh nghĩ bằng lời, nhưng lời không phải là ý nghĩ.

Chánh niệm, cái chánh thứ bảy trong bát chánh đạo của Tất đạt đa, dạy chúng ta loại trừ ý nghĩ làm trung gian trong cảm thụ thế giới, ý nghĩ thường chất chứa đầy khôn ngoan, gạn lọc và định kiến.

Nếu bạn đồng nghĩa ý nghĩ và ngôn ngữ, thì chánh niệm đưa tới việc là cảm thụ thế giới chân thật thì không có lời. Không có lời, thì các nhà thơ đi chết hết hay sao?

Người Nhật, mặc dù rất giỏi nghề mài kiếm, quyết định là cứ để các nhà thơ sống. Và để không bị đem đi chém, các anh ấy làm những bài thơ như thế này:

thỉnh thoảng mây qua
để người ngắm trăng
nghỉ ngơi đôi mắt

(Basho)

Những bài hoặc đoạn thơ hay nhất, ở phương Đông và phương Tây, thường ở vùng biên giới nơi ý nghĩ bắt đầu hay không bắt đầu, chưa được sinh ra hay vừa mới chết đi. Tôi không phân biệt được đó là thơ, nhạc hay là họa.

Cửa vào

Dù em có là ai đi nữa: Buổi tối hãy bước ra
khỏi căn phòng của em, căn phòng trong đó em biết mọi thứ:
ở nơi chốn cuối cùng trước khi xa xăm bắt đầu, căn nhà em nằm đó:
Dù em có là ai đi nữa.
Với đôi mắt của em, mệt mỏi không còn sức để thoát
khỏi những ngưỡng cửa ưu phiền,
em nhấc thật chậm rãi một thân cây đen
và dựng nó lên trước bầu trời: gầy và lẻ loi.
Và em đã dựng lại thế giới. Và thế giới lớn
và như là một lời, một lời còn tự trưởng thành trong im lặng.
Và như ước nguyện của em tự hiểu ý nghĩa của nó,
đôi mắt em dịu dàng buông thả thế giới tan…

Rainer Maria Rilke