cuối năm nghĩ ngợi lan man về vốn sống, về quê mình và quê người

11.01.2011

1

Tôi đã sống ở nhiều nơi trên thế giới. Và trở về nhà. Và lại đi. Một người bạn nói với tôi rằng người viết cần đi nhiều, sống nhiều, để có nhiều vốn sống. Nhưng thế nào là sống nhiều?

Người ta vừa sợ đời mình nhiều biến cố, vừa sợ cuộc đời xảy ra ở một nơi nào khác và mình không có mặt ở đó.

Như nhiều người khác, trong tôi luôn luôn có một ước vọng về một cuộc đời sôi nổi, và một ước vọng cho một cuộc đời an lành. Chúng ta luôn luôn mang trong người cùng lúc nỗi nhớ những chuyến đi xa và niềm mong mỏi ngày trở về.

Ngày đó, tôi tin rằng cuộc đời ở ngoài kia. Trong thế giới bên ngoài, ở những nơi khác nhau, người ta đã gầy dựng nên, làm ra cuộc đời. Tôi sẽ đến và dự phần vào đó, để rồi một ngày nào đó tôi có thể nói tôi đã đến sống ở Mỹ, ở Pháp, ở Ấn Độ, và tôi biết cuộc đời ở những nơi đó như thế nào. Nếu tôi biết nhiều cuộc đời ở nhiều nơi, có nghĩa là tôi có nhiều vốn sống. Tôi sẽ có nhiều câu chuyện. Thật ra không phải vậy. Chúng ta chỉ có một cuộc đời, cuộc đời của mình. Những chuyến đi, những khung cảnh sống khác lạ, chỉ cung cấp những cái khung khác nhau cho câu chuyện duy nhất của cuộc đời duy nhất của mỗi người. Thế giới xa vắng cũng ở trong lòng và quê hương thân thuộc cũng ở trong lòng.

Ở thế hệ của chúng tôi, chọn cuộc sống thị thành, có lẽ người ta còn phải biết giữ cả hai – đường đi và lối về – trong cùng một ngăn tim. Những thành phố lớn càng ngày càng giống nhau. Những con đường nhỏ, những mái nhà quen và người quen càng ngày càng thay đổi và nhanh chóng trở nên lạ lùng. Nếu cần một quê hương, một nơi chốn yên lành và bền vững, chúng tôi phải tựa vào những thứ không do con người làm ra và không thể mất đi: những cơn mưa, những ngày bão, những đêm không gió.

Buổi chiều chúng tôi đứng ở lan can tầng trên một căn nhà trên sườn đồi, nhìn xuống thành phố. Bầu trời rất rộng ở chung quanh. Cơn mưa chiều vừa qua, nhưng chưa dứt hẳn. Trời vẫn còn đầy những giọt nước bay nghiêng. Và lẫn trong những hàng nước ấy, những đám mây mỏng như khói, chợt bay ngang, chợt tan mất. Anh nói với tôi: “Những căn nhà dưới kia, trong thung lũng, xây bằng gạch và xi măng, vài năm nữa có còn không?”

Tôi nói:“Em không biết.”

Anh nói:” Nhưng những đám mây này thì còn”.

“Những đám mây mỏng mảnh này?”

“Ừ, những đám mây mỏng mảnh này.”

“Những đám mây khác chứ”

“Vẫn là những đám mây này.”

2

Nếu có hai nhà nhiếp ảnh nghệ thuật cùng chụp ảnh một căn phòng nào đó, trong cùng một giờ nào đó trong ngày, chúng ta sẽ có hai bức ảnh nói những điều khác nhau. Theo Susan Sontag thì một bức ảnh không cho ta thấy vật được chụp, cũng không phải người chụp thấy gì, mà cho ta thấy cách nhìn của người chụp ảnh. Nói cho cùng, dù đề tài đến bất chợt hay được sắp xếp, nhà nhiếp ảnh chỉ mượn hình ảnh bên ngoài để nói một điều gì đó từ bên trong họ.

Trong nghệ thuật, không có sự thật khách quan. Chỉ có sự thật của người chụp ảnh: hoặc sự thật ấy có đó, hoặc là không.

Nhiều người nói rằng viết văn là một công việc cô đơn. Cô đơn không phải vì người viết luôn luôn phải ngồi viết một mình. Mà cô đơn vì người viết trong những giây phút phải có chọn lựa quyết liệt nhất, họ không thể dựa vào người khác. Trong tác phẩm của họ, nếu sự thật của riêng họ không có đó, thì tác phẩm của họ không có sự thật. Chứ không có chuyện nó quàng lấy một sự thật khác, của một ai khác.

Người viết bắt đầu một cuốn sách với cốt truyện thường là ít chi tiết. Có lẽ người viết sẽ mượn từ thế giới một nơi chốn, một năm tháng nào đó, đặt vào đó các nhân vật, và cuộc hành trình bắt đầu. Trong chuyến đi, người ta mới nhận ra rằng tuy cốt truyện đã có sẵn như một thứ định mệnh của các nhân vật, mỗi ngày, ở mỗi khúc quanh, người viết đều có nhiều lựa chọn. Tuy có lựa chọn, người viết không thật sự có tự do đưa câu chuyện theo một hướng bất kỳ. Người viết chỉ có thể dựa trên bản chất của nhân vật mà biết trong tình cảnh như vậy, nhân vật của mình sẽ quyết định thế nào. Nói cho cùng, khi phác thảo nhân vật, dù chỉ là những nét chính, lồng họ vào một khung cảnh sống nào đó, người viết cũng đã quyết định định mệnh của họ, và qua đó đường đi của câu chuyện rồi. Tôi không muốn nói rằng con người bị nhốt trong bản năng, tâm lý và niềm tin của mình. Bản chất là một thứ gì to rộng hơn tổng số của ba thứ kia. Bản chất của con người bên cạnh những điều quen thuộc là những điều bí ẩn, nên hành động của con người vừa tất yếu, cũng lại vừa đầy những bất ngờ.

3

Năm xưa ông bà chúng ta nói “Đi cho biết đó biết đây.” Năm nay, ngồi duy nhất một nơi, mở ti vi, xem báo, mở internet, cả chiều rộng của thế giới, và chiều dài của lịch sử nữa, có thể thu về trên một cái màn hình.

Đôi khi có dịp đi đến một thành phố nào xa, một thành phố thật chứ không phải ảo, tôi lại có một chút thất vọng man mác không rõ nét. Buổi tối, những nơi còn mở cửa thường là những nơi dành cho khách du lịch. Khách đến thăm đã trở thành một loại người cần được tiếp một cách có tổ chức, công nghệ hóa. Những cánh cửa mở đón tiếp họ chỉ dành riêng cho việc đó. Cuộc đời thật của những con người thật nằm sau những cánh cửa đóng. Làm sao tôi biết được thế giới mình đến thăm, thật sự nó như thế nào?

Nếu mở được những cánh cửa ấy ra, có lẽ cuộc đời thật của họ cũng không khác của chúng ta ở quê nhà là mấy: Họ đang kinh nghiệm thế giới trước một cái màn hình nào đó.

Những gì chúng ta thu thập được từ bên ngoài, dù qua những chuyến đi hay qua đường truyền internet, chỉ mới là kiến thức và dữ kiện, chứ chưa phải là sự thật. Ngay cả những kinh nghiệm có được qua va chạm trong đời sống cũng vậy. Sự thật của riêng một người nào đó chỉ có được sau rung động và tư duy, nó là thứ còn lại đàng sau, nó là cái biết. Không phải ai cũng quyết định viết sự thật của mình lên giấy. Ngược lại, người có vốn sống không thôi cũng không đủ để viết văn. Vốn sống không có chiêm nghiệm, cũng trôi đi, mất đi những loại vốn liếng khác không có cách gìn giữ.

Những tình huống thật, của chính mình, bắt buộc chúng ta quyết định và nhận lấy những hệ quả của những quyết định ấy. Không phải lúc nào kinh nghiệm cũng đưa tới chiêm nghiệm, nhưng kinh nghiệm thật thường đưa tới chiêm nghiệm hơn là những kinh nghiệm vay mượn. Vì thế, có vốn sống chúng ta dễ đi đến gần sự thật của riêng mình hơn.

Nếu vốn sống cần thiết để viết văn như có gạo mới nấu thành cơm, ai quyết định sống thế nào thì thu thập được vốn sống và sống thế nào thì không? Tôi không nghĩ nhất thiết đi xa thì có vốn sống nhiều hơn là ở nhà, một cuộc sống an lành thì đem lại ít vốn sống hơn một đời sôi nổi.

Những khoảnh khắc của sự thật nằm ở sự chênh vênh nhiều hơn ở sự yên ổn. Một giọt nước giữa trời tự do hơn là một giọt nước dưới giếng. Giọt nước giữa trời có chọn lựa, nó có thể muốn thành khí và bay lên trời, hoặc muốn thành mưa rơi và xuống đất. Nhưng ai nói rằng nếu ngồi im ở quê nhà thì tôi không có khi là một giọt nước giữa trời?

13 Responses to “cuối năm nghĩ ngợi lan man về vốn sống, về quê mình và quê người”

  1. marcus Says:

    Chị Phượng ơi, em cứ buồn mãi vì chưa gặp được chị lần vừa rồi ở Sài Gòn, nhưng giờ, trong khi đang ở một nơi xa lạ cả về khung cảnh lẫn cảm xúc, em đã được gặp lại chị rồi.
    Ngày của em hôm nay đã được cứu sống.

  2. đoàn minh phượng Says:

    Marcus: Bữa đó nhà bị kẹt internet, lúc đọc được thư mời thì nhìn đồng hồ thấy trao giải thưởng chắc vừa xong. Tiếc quá đi. Hẹn lần sau nhé.

  3. ăn mày chúa Says:

    Bất cứ ở đâu con người cũng có thể nhìn ra sự thật nếu có một cái nhìn sâu sắc, và mọi vật đều có chung một bản chất dù xa hay gần.
    Đồng ý!
    Nhưng là giọt nước, phải là giọt nước giữa trời, nó có thể tan biến hoặc cùng với những giọt nước khác kết thành bão tố, cùng hoan ca, gầm thét trên biển cả. Với giọt nước trong giếng, nhiều lắm cũng chỉ có thể kết thành mạch nước ngầm, thầm lặng hòa vào biển cả mà thôi.

  4. TOU Says:

    đọc chị như được xem một cuốn phim quay chậm ngược thời gian, trở về tuổi thơ và tuổi mới lớn của riêng mình, để nhớ và lại ngầm đau…

    cảm ơn chị

  5. Van H Says:

    Bài này quá hay, nhất là cho những người cầm bút.

  6. longasau Says:

    Em không tin, rằng một giọt nước giữa trời lại có nhiều sự lựa chọn hơn là một giọt nước trong giếng chị ạ. Tại sao cùng là hạt mưa nhưng có hạt được sinh ra để hoà vào sông rộng, có hạt vỡ tan trên tàu lá, lại có hạt an phận trong một chum nước bên hiên nhà? Sự tự do của giọt nước khi nó còn ở lưng chừng trời có phải do nó tự định đoạt hay lựa chọn đâu? Em cảm thấy sự khác biệt giữa nó và giọt nước giữa giếng nằm ở sự tác động chứ không phải vận động.

  7. tran nam phuong Says:

    Đây là lần đầu tiên em tìm thông tin về chị. Em đọc ” Và khi tro bụi” đã mấy năm và luôn bị ám ảnh bởi những lời văn trong đó. vốn sống cần cho sáng tác như có gạo mới nấu thành cơm nhưng em lại là một kẻ có gạo mà không thể nấu thành cơm vì thiếu lửa và sợ nhọ mặt mình, sợ ai đó mở toang lòng mình trong từng câu chữ. Em cảm ơn chị vì những trải nghiệm không dễ bộc lộ của chính mình.


  8. Hi Doan,
    Cho phep duoc dang bai cua ban len blog yourvietbooks.com.
    Toi muon dich bai nay ra tieng Anh cho cac ban doc nuoc ngoai xem.
    Xin cam on
    Anh Tho
    yourvietbooks@gmail.com


  9. Gui Doan bai dich minh vua moi dang, xem co duoc khong?

    http://www.yourvietbooks.com/2011/10/doan-minh-phuong-few-thoughts-about.html

    Enjoy,

    Anh Tho

  10. đoàn minh phượng Says:

    Cám ơn Anh Tho thật nhiều.


  11. Chi Phuong viet co nhieu chat Phat lam. Chi co nhan hieu chinh bai chinh cua mot tac gia My khong. Co 4 cuon sach dang duoc dich. Xin cam on chi lien lai voi Anh Tho.

  12. KL Says:

    chào chị Phượng. Vì xúc động sau khi đọc “Và khi tro bụi” của chị mà em đã lên mạng tìm hiểu thêm về chị và đến được trang blog này. Em thích cách chị mô tả sự vật chân thực, giản dị và sâu lắng. Đọc bài viết cuối năm này của chị em càng thấy thêm nhiều đồng cảm. Những thời khắc cuối năm có lẽ hay làm người ta muốn nhìn lại những chặng đường đã đi qua. Riêng em cũng có hai bài có chút liên quan trên blog cá nhân của mình (nhưng ko dám gửi link lên đây, sợ bị coi là spam chị quá!). Rất mong có thể được thi thoảng trao đổi với chị về các bài viết của chị hoặc sách/phim chị làm. Nếu chị ko phiền, cho em địa chỉ email của chị nhé (nếu ko muốn công khai, chị email cho em vào: kl.fsbd@gmail.com ) … “Và khi tro bụi” của chị cũng đã làm em nảy sinh nhiều suy nghĩ, chia sẻ trên một bài viết của mình… Cảm ơn chị và chúc chị khoẻ. KL

  13. giai01 Says:

    Reblogged this on Giai01's Blog and commented:
    Xem


Leave a reply to KL Cancel reply